CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH TẤM LÒNG HIẾU THẢO

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo!
Các em thân mến !
Mỗi chúng ta đều có một gia đình. Gia đình là nơi thiêng liêng nhất. Ở đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em. Đó là những người thân, là chỗ dựa tinh thần rất lớn mà tất cả chúng ta đều trân quý. Đặc biệt là cha mẹ của chúng ta đã sớm hôm nhọc nhằn, lo âu vất vả hết lòng vì con cái. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Con cái hiếu thảo với cha mẹ đó là chuẩn mực, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Chính chữ hiếu là cơ sở để xây đắp những mối quan hệ khác trong gia đình và cả ngoài xã hội. Bởi bất cứ anh hùng hay bậc vĩ nhân nào cũng được sinh ra từ cha mẹ mình. Trong lịch sử Việt Nam, đã có rất nhiều tấm gương hiếu thảo với cha mẹ như Mai Thúc Loan, vị anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Đường ở Việt Nam thế kỉ thứ VIII nổi tiếng là người con tận hiếu với mẹ. Nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất Việt Nam - Nguyễn Trãi là một người con vô cùng hiếu thảo và đầy nghị lực. Hay chàng công tử Hoàng Văn Hoàn, quê ở tỉnh Hải Dương, ông nổi tiếng là người thật thà, điềm đạm, là người con hiếu hạnh với mẹ cha. Và còn rất nhiều tấm gương hiếu thảo nữa không chỉ ở đất nước Việt Nam chúng ta mà còn ở rất nhiều các nước khác là gương sáng cho người đời sau học tập và noi theo. Đây chính là thông điệp mà Tôi muốn gửi tới thầy cô và các em trong buổi sáng ngày hôm nay qua cuốn sách Tấm lòng hiếu thảo – gương sáng người xưa của nhóm tác giả sống đẹp sưu tầm và biên soạn. Sách do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2010, với 143 trang được in trên khổ 13,5 x 20,5cm
Chỉ với 143 trang sách thôi nhưng đã giúp chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về tấm lòng hiếu thảo của người xưa qua những gương sáng như: Một bảo Chửng đã từ bỏ danh lợi để làm tròn chữ Hiếu... Một Chu Uyển chỉ mới 16 tuổi nhưng đã ba lần xin chịu chết thay cha, chính sức mạnh của lòng hiếu thảo thương cha kính mẹ của Chu Uyển đã giúp cha ông thoát khỏi án tử hình. Hay chuyện Nhan Trí Kha người thời Đông Hán đã không lỡ bỏ lại người cha đang bị mắc căn bệnh truyền nhiễm. Chuyện về Nguyên Chương mồ côi mẹ năm lên tám tuổi sống với bà mẹ kế cay nghiệt nhưng cậu vẫn một lòng hiếu thảo, và lòng hiếu thảo của Nguyên Chương đã cảm hóa được người mẹ kế v.v...
Có thể nói cách thể hiện sự hiếu thảo của người xưa và người ngày nay có thể khác nhau do điều kiện sống từng thời đại, nhưng tấm lòng hiếu thảo rất mực của người xưa mãi là những tấm gương sáng muôn đời bất hủ.
Đọc “Tấm lòng hiếu thảo- gương sáng người xưa"để chúng ta cùng cảm nhận và lưu tâm giữ gìn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ và sống tốt hơn. Bởi mỗi một truyện kể là một bài học làm người mà chúng ta không thể không biết. Xin trân trọng giới thiệu tới thầy cô và các em.
Quốc Tuấn ngày 5 tháng 10 năm 2019
Người viết bài
Đỗ Thị Ngoan